-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
3 công thức nấu lẩu Thái ngon như nhà hàng
12/03/2022
Món lẩu là món ăn quen thuộc luôn xuất hiện ở bàn ăn của mọi nhà vào các dịp lễ lớn. Để có được một nồi lẩu thật ngon để đãi cả nhà liệu bạn đã biết cách chế biến như thế nào cho chuẩn vị và đúng điệu? Nếu chưa biết thì hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.
Lẩu Thái chua cay
Nguyên liệu:
- 1kg xương ống
- 100g thịt bò
- 200g tôm
- 500g nghêu
- 300g mực
- 5 cây sả
- 5 trái ớt
- 100g nấm
- 2 củ riềng
- 10 lá chanh
- 2 củ tỏi
- 2 quả cà chua
- 2 trái chanh
- 2 củ hành tím
- 2 củ hành tây
- Mì gói hoặc bún
- Các loại rau: rau muống, rau đắng, rau hoa chuối, rau mồng tơi, lá tía tô,...
- Gia vị: muối, đường, tương ớt, gia vị lẩu thái.
Cách chế biến lẩu Thái chua cay
Bước 1:
- Đầu tiên bạn cần rửa sạch xương ống, đập dập các khớp để nước lẩu được ngọt hơn.
- Các loại hải sản, thịt bò làm sạch và để ráo nước.
- Cà chua, hành tây rửa sạch, cắt múi cau. Rau, nấm, rửa sạch cắt khúc vừa ăn.
- Riềng rửa sạch và cắt lát mỏng. Tỏi bóc vỏ và rửa sạch. Lá chanh rửa sạch, vò nhẹ. Sả rửa sạch, đập dập và băm nhỏ.
Bước 2:
- Đun 1 nồi nước sôi, cho muối vào sau đó luộc xương ống trong vòng 10 phút để loại bỏ hết các tạp chất và khử hôi. Sau khi luộc xong, bạn cần vớt xương ra sau đó thay lại bằng 1 nồi nước mới.
- Cho thêm vào nồi một ít lá chanh, riềng, sả, sau đó vặn lửa nhỏ để hỗn hợp từ từ tan ra. Để nước lẩu thêm phần đậm đà, hãy thêm 2 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường, gia vị lẩu thái, sa tế và nêm nếm lại sao cho vừa ăn.
- Cho dầu ăn vào một cái chảo, đợi dầu nóng bỏ hành tím, tỏi băm, cà chua, hành tây xào qua cho thơm sau đó đổ vào nồi nước lẩu.
- Đun nồi nước khoảng 30 phút, nếu thấy bọt hãy lấy thìa vớt ra.
Bước 3:
Cho nồi lẩu lên bếp, bạn cho các loại hải sản và thịt bò vào, đợi nước sôi thì nhúng các loại rau ăn kèm vào và thưởng thức.
Lẩu thái cốt dừa
Nguyên liệu:
- 1kg xương ống
- 100g thịt bò
- 200g tôm
- 500g nghêu
- 300g mực
- 5 trái ớt
- 3 cây sả
- 2 củ riềng
- 10 lá chanh
- 2 củ tỏi
- 2 quả cà chua
- 2 quả me
- Nước cốt dừa
- Các loại gia vị: đường, muối, hạt nêm, hạt tiêu, gia vị nấu lẩu Thái
Cách làm lẩu Thái cốt dừa
Bước 1:
- Làm sạch các loại hải sản và thịt bò.
- Rửa sạch xương ống và đập dập. Trần xương ống qua nước sôi để loại bỏ các tạp chất và khử hôi.
- Rau, nấm rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Riềng rửa sạch và cắt lát mỏng. Tỏi bóc vỏ và rửa sạch. Lá chanh rửa sạch, vò nhẹ. Sả rửa sạch, đập dập và băm nhỏ.
Bước 2:
- Đun nồi nước sôi rồi để xương ống đã trần sơ vào để nước lẩu ngọt hơn.
- Cho thêm vào nồi một ít lá chanh, riềng, sả, sau đó vặn lửa nhỏ để hỗn hợp từ từ tan ra.Thêm gia vị như muối, đường, bột nêm, gia vị lẩu thái vào nước xương cho vừa ăn.
- Sau đó cho thêm nước cốt dừa vào nồi nước lẩu và đun đến khi sôi. Cuối cùng là cho các loại hải sản, thịt bò, rau vào nồi và thưởng thức.
Lẩu thái chay
Nguyên liệu:
- 2 củ cà rốt
- 1 trái bắp
- 100g nấm rơm
- 1 củ cải trắng
- Nửa trái khóm
- 2 quả cà chua
- 3 cây sả
- 3 trái ớt
- 200g tàu hủ
- 200g chả chay
- 100g tàu hủ ky
- Gừng, sả băm nhuyễn
- Các loại rau ăn kèm: rau muống, tía tô, các loại nấm.
- Các loại gia vị: muối, đường, bột nêm, gia vị lẩu thái chay.
Cách nấu lẩu Thái chay
Bước 1:
- Cắt tàu hủ, chả chay, tàu hủ ky thành từng miếng vừa ăn.
- Khóm và cà chua rửa sạch sau đó cắt thành miếng vừa ăn.
- Rau ăn kèm rửa sạch, cắt thành từng khúc
Bước 2:
- Cho dầu ăn vào chảo, đợi dầu nóng thì cho gừng và sả đã băm nhuyễn vào phi cho thơm. Sau đó bạn bỏ khóm và cà chua vào xào cho chín tới rồi tắt bếp.
- Đun sôi nồi nước, cho cà rốt , củ cải trắng, nấm rơm, bắp vào nồi. Cho 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối vào và nấu trong khoảng 30 phút.
- Sau khi rau củ đã chín, cho hỗn hợp đã xào lúc nãy vào nồi, bạn cho gói gia vị lẩu Thái vào để tăng thêm hương vị cho món ăn. Sau đó nêm nếm lại cho hợp khẩu vị.
- Sau khi nước sôi, cho tàu hủ, chả chay, tàu hủ ky vào và nấu thêm 3 phút nữa là hoàn tất.
Cách chọn nguyên liệu ngon cho món lẩu thái
Khi chọn xương ống, bạn nên chọn những phần xương có độ to trung bình, vừa phải. Xương ống ngon là những phần xương có màu tươi, không bị tái, không có mùi lạ và đặc biệt là không bị lạnh.
Thịt bò ngon là những miếng có màu đỏ tươi, gân bò màu trắng và mỡ có màu vàng nhạt. Ấn ngón tay vào phần thịt, nếu thấy có độ đàn hồi tốt, không dính tay, không nhớt và khô ráo thì đó là thịt bò còn tươi.
Nên chọn các loại rau có màu xanh nhạt bình thường, không bị héo úa. Những cây rau có màu sắc quá đậm, bóng mướt có thể đã bị phun thuốc.
Lưu ý khi ăn lẩu Thái
Nên ăn kèm lẩu với nhiều rau xanh
Lẩu Thái là sự pha trộn giữa cái nóng và cay nên bạn cần ăn kèm với rau xanh vì chúng sẽ giúp bạn dễ tiêu hóa, giải độc và bổ sung vitamin cho cơ thể.
Không nên ăn lẩu và uống đồ lạnh cùng lúc
Khi ăn lẩu và uống đồ lạnh cùng lúc sẽ gây hại cho đường ruột, dạ dày của chúng ta. Điều này sẽ làm giảm thời gian làm việc của men tiêu hóa dẫn đến chúng ta bị khó tiêu.
Không nên nấu nước lẩu quá lâu
Một nồi lẩu chỉ nên sử dụng nước lẩu trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Vì nếu nấu quá lâu thì các axit béo, vitamin sẽ bị phân hủy gây hại cho sức khỏe.
Hạn chế ăn đồ nhúng còn tái
Đồ ăn còn tái chứa nhiều vi khuẩn nếu chưa được làm sạch, kỹ lưỡng. Nếu ăn đồ ăn tái thường xuyên sẽ gây hại đến sức khỏe của chúng ta. Đặc biệt, những loại nội tạng động vật cần nên nấu chín kỹ lưỡng trước khi thưởng thức.
Trên đây là 3 công thức nấu lẩu Thái đơn giản và những điều bạn cần lưu ý khi nấu lẩu. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn nấu một nồi lẩu thật ngon cho gia đình và bạn bè nhân dịp những ngày lễ sắp đến nhé!
>>> Xem thêm: