-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đáp án cho câu hỏi: “Vì sao chúng ta phải uống nước mỗi ngày?”
22/12/2020
Một người nặng 68kg thì có đến 40 lít nước trong cơ thể, 23-26% nước nằm trong tế bào, 4 lít nước trong máu, nước phân bổ tới mọi bộ phận bên trong cơ thể. Một thực tế, cơ thể chúng ta sẽ mất một khối lượng nước đều đặn mỗi ngày thông qua việc đào thải qua nước tiểu, mồ hôi, phân, hơi thở...Đó chính là lý do vì sao ngay từ bé, bố mẹ đã nhắc bạn uống nước đều đặn mỗi ngày đấy.
Vai trò của nước đối với cơ thể
Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể, cần thiết cho sức khỏe và tham gia vào mọi chức năng quan trọng giúp duy trì sự sống của chúng ta. Nước cần thiết để cơ thể loại bỏ cặn bã, độc tố ra khỏi cơ thể, hỗ trợ điều hòa thân nhiệt, giúp cân bằng hoạt động và vô vàn những lý do khác.
Trong đó, 4 vai trò chính của nước được thể hiện như sau:
Làm dung môi cho các phản ứng hóa học
Dung môi được hiểu là một dịch lỏng để hòa tan những chất hóa học khác nhau trong cơ thể. Nhờ việc hòa tan trong dung môi, các phản ứng hóa học mới có thể diễn ra, và chính hoạt động đó sản sinh ra những thành giúp giúp cơ thể tồn tại.
Mỗi ngày, khi chúng ta nạp vào cơ thể khối lượng thực phẩm lớn, lượng thức ăn đó sẽ tiếp xúc ngày với dịch tiêu hóa trong nước bọt, dạ dày và ruột. Chuỗi phản ứng đó sẽ hình thành và được hấp thu vào máu. Nước trong mạch máu sẽ giúp vận chuyển dinh dưỡng đó đi nuôi cơ thể. Ngoài ra, nước còn vận chuyển luôn những chất quan trọng khác như hormon, kháng thể từ nơi tổng hợp đến tận cơ quan sử dụng chúng. Những thành phần cặn, độc hại bên trong cơ thể như ure, cacbon lại được nước đưa tới phổi, thận để bài tiết ra bên ngoài.
Là chất phản ứng
Phản ứng hóa học là một quá trình dẫn đến sự biến đổi một tập hợp các hóa chất này thành một tập hợp hóa chất khác. Chất trực tiếp tham gia vào chuỗi phản ứng hóa học được gọi là chất phản ứng. Hiểu một cách đơn giản nhất, trong một phản ứng sinh hóa của cơ thể, nước chính là thành phần không thể thiếu. Ví dụ như trong phản ứng của tế bào, các phân tử có trọng lượng lớn như polysaccharide, chất béo, protein, được phân cắt thành các phân tử nhỏ hơn khi phản ứng với nước. Vậy trường hợp không có nước, chắc chắn cơ thể chúng ta không xảy ra phản ứng thủy phân.
Là chất bôi trơn
Nước đóng vai trò như một chất bôi trơn trong quá trình tiêu hóa và gần như tất cả các quá trình khác của cơ thể. Nước trong nước bọt của chúng ta sẽ giúp tạo điều kiện cho việc nhai và nuốt, đảm bảo thực phẩm sẽ dễ dàng trượt xuống thực quản. Nước cũng giúp bôi trơn các khớp xương và sụn của chúng ta, cho phép chúng di chuyển trơn tru hơn. Khi mất nước các khớp, sụn không được bôi trơn sẽ gây đau đầu gối, đau lưng, nặng có thể dẫn đến tổn thương, viêm khớp. Ngay cả nhãn cầu của chúng ta cũng vậy, chúng cần nước để làm việc tốt.
Vai trò điều hòa nhiệt độ
Cơ thể chúng ta kiểm soát nhiệt độ thông qua các tuyến mồ hôi ở da. Khi cơ thể cảm thấy nóng, nước trong tuyến mồ hôi ở da sẽ bay hơi và tạo ra hiệu ứng làm mát.Máu cũng được chuyển vào khu vực gần bề mặt dưới của da, nơi có thể làm lạnh và sau đó quay trở lại vào trong cơ thể. Khi cơ thể cảm thấy lạnh, da sẽ duy trì nhiệt độ cơ thể về mức thích hợp. Nước có một vai trò quan trọng trong việc phân phối hơi nóng của cơ thể thông qua việc phân phối nhiệt độ cơ thể. Hơi nóng sinh ra do quá trình chuyển hóa, oxy hóa sinh năng lượng của các chất dinh dưỡng.
Uống bao nhiêu nước mỗi ngày là đủ
Quan tâm đến lượng nước uống mỗi ngày là điều cần thiết giúp bạn duy trì sức khỏe. Hầu hết mọi người chỉ uống nước khi cơ thể có dấu hiệu khát những điều này không tốt cho bạn. Có bao giờ bạn băn khoăn “Uống bao nhiêu nước mỗi ngày” không? Câu trả lời như thế này, lượng nước cơ thể bạn cần mỗi ngày được căn cứ vào 3 tiêu chí sau:
Cân nặng: Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể người nên nhu cầu nước phụ thuộc vào cân nặng của cơ thể. Tờ US News & World Report đã đưa ra một công thức chung để mọi người có thể dựa vào đó để tính lượng nước cần bổ sung mỗi ngày. Bạn có thể tham khảo công thức này và áp dụng ngày công thức ngày:
Cân nặng (lbs) * 0.5 = Lượng nước (oz)
Độ tuổi: Người trưởng thành, người già hay trẻ nhỏ đều có nhu cầu nước uống khác nhau. Trẻ em có nhu cầu nước cao gấp 3 đến 4 lần. Trong khi đó, người già sẽ có xu hướng cần ít nước hơn.
Giới tính: Nam và nữ có nhiều khác biệt về tâm sinh lí, thể trạng, vận động nên nhu cầu nước uống theo đó cũng có sự khác nhau. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nam giới có nhu cầu bổ sung nước nhiều hơn nữ giới.
Ngoài những yếu tố cân nặng, độ tuổi, giới tính thì nhu cầu nước uống còn phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, sinh lý…
Nên uống vào thời điểm nào?
Ngoài việc hiểu đúng và đủ vai trò của nước, xác định được khối lượng nước cơ thể cần mỗi ngày thì việc xác định thời điểm bổ sung nước góp phần không nhỏ trong việc duy trì sức khỏe. Dưới đây là những thời điểm “vàng” bạn nên bỏ túi ngay trước khi sức khỏe có dấu hiệu xuống cấp.
- Sau khi thức dậy: Một ly nước ấm bỏ buổi sáng được ví như “tiên dược” đấy. Vì nước đi vào cơ thể lúc này có rất nhiều tác dụng tích cực cho cơ thể như bù nước hiệu quả, cân bằng điện giải, kích thích hệ thống ruột vận động, tăng bài tiết và lưu thông máu…
- Trước bữa ăn sáng: Để kích thích vị giác ăn và hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh, bạn nên uống một ít nước trước khi dùng bữa khoảng 1h đồng hồ. Nhớ là uống vừa đủ thôi nhé vì uống quá nhiều, dịch vị dạ dày bị loãng gây cản trở cho quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Trước khi tắm: Khi tắm, cơ thể phải huy động năng lượng giúp cân bằng thân nhiệt. Nên trước đó bạn nên uống một ly nước. Thứ nữa, không chỉ khi bạn vận động mà cơ thể tiết mồ hôi đầu nhé, khi tắm quá trình bài tiết và mất nước qua da vẫn diễn ra bình thường, chỉ là bạn không nhìn thấy. Hãy ghi nhớ điều này để duy trì thói quen uống khoảng 250ml nước trước khi tắm.
- Trước khi ngủ: Uống một lượng nước nhỏ trước khi ngủ sẽ hạn chế tình trạng mất nước trong một đêm dài. Khi ngủ nhiều cơ quan nội tạng vẫn cần nước để hoạt động. Vì vậy, hãy uống khoảng 200ml trước khi đi ngủ để ngăn ngừa mất nước và những bệnh lý đặc biệt nguy hiểm như đột quỵ, đau tim.
- Khi đói và khát: Tất nhiên rồi, khi bạn cảm nhận khát thì nên bổ sung nước ngày vì đó là dấu hiệu mất nước trong cơ thể bạn. Còn khi đói, việc uống nước sẽ giúp “đánh lừa” dạ dày của bạn, làm cho dạ dày cảm giác lơ lửng như bạn đang dùng bữa chính vậy.
- Trước và sau luyện tập thể thao: Để ngăn ngừa mất nước trong luyện tập và làm tăng hoạt động của cơ bắp, bạn nên uống khoảng 300ml nước trước khi luyện tập. Tương tự sau khi luyện tập, đợi cơ thể khô ráo mồ hôi bạn nên bổ sung nước để bù lại lượng nước đã mất.
>>> Đọc thêm: Thời điểm phù hợp để uống nước (Phần 6)
Kết luận
Theo dõi ngang đây chắc bạn đã tự đưa ra câu trả lời cho câu: “Vì sao chúng ta nên uống nước mỗi ngày?” rồi nhỉ. The Water MAN chỉ giúp bạn tổng kết lại vấn đề thôi nhé. Sự sống của mỗi người phụ thuộc vào không khí, thức ăn và đặt biệt là không thể thiếu nước uống. Ngoài vai trò giải khát, nước còn đảm nhận vai trò chính/phụ trong mọi phản ứng sinh hóa và hoạt động sống để bảo vệ cơ thể. Muốn có sức khỏe tốt, tuổi thọ cao bạn nên uống đúng, uống đủ mỗi ngày nha.
>>>Xem thêm: “Dứt điểm” viêm họng cấp vào mùa đông bằng 5 cách này