Xin chào, lại là The Water MAN đây!

Bài trước, chúng ta đã cùng làm một bài kiểm tra trình độ uống nước đúng cách rồi đúng không? Bạn được bao nhiêu điểm? Tôi thật sự tò mò đấy!

Như tôi từng chia sẻ với các bạn, có 9/10 người được hỏi không chắc chắn mình có đang uống nước đúng cách hay không. Điều này quả là đáng lo ngại! Nếu không biết đang làm sai ở đâu thì bạn rất khó để sửa đổi và bảo vệ cơ thể khỏi nguy hiểm đúng không?

Chà, hãy khởi động nhẹ trước khi đọc tiếp bằng cách tick chọn những ý nào đúng với bạn trong 8 điều dưới đây nhé:

  • Uống các loại đồ uống khác thay thế nước lọc
  • Lạm dụng nước khoáng đóng chai
  • Đun sôi nước nhiều lần
  • Đợi khát mới uống
  • Uống quá nhiều nước một lúc 
  • Vừa ăn vừa uống nước
  • Uống nước khi đứng
  • Uống nhiều nước lạnh khi khát

Bạn có bao nhiêu trong 8 thói quen trên? Nếu có từ 2 tick trở lên thì xin chia buồn, bạn đang tự hủy hoại bản thân mà không biết đấy! Tại sao ư, chúng ta hãy cùng phân tích kỹ hơn tác hại của từng thói quen này ngay dưới đây.

Uống các loại đồ uống khác thay thế nước lọc

Nhiều người bạn của tôi chia sẻ, cảm thấy vị của nước lọc...rất kinh khủng. Do đó, họ cung cấp nước bằng các giải pháp thay thế như nước ép, nước có ga, cà phê,... vì chúng dễ uống hơn. Tuy nhiên, cách làm này thật sự gây hại cho hệ bài tiết, đặc biệt là thận, vì lượng đường và photpho có trong các loại thức uống trên thúc đẩy bài tiết canxi, dẫn đến sỏi thận.

Ngon cái mắt nhưng hại cái thân

Bên cạnh đó, các loại nước uống nhiều đường cũng có thể làm nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Axit uric trong máu cao là tác nhân chính gây ra Gút - căn bệnh gắn liền với những cơn đau khớp dữ dội và sưng tấy.

Lạm dụng nước khoáng đóng chai

Tôi đang nói về nước khoáng, không phải nước tinh khiết, nước kiềm hay một loại nước đóng chai nào khác. Đừng vội thắc mắc, tôi đã dành riêng 1 bài trong series để hướng dẫn cách phân biệt các loại nước này.

Trước đi đọc tiếp, thử nhìn một vòng xung quanh bạn và đếm xem có bao nhiêu chai nước khoáng đang hiện diện? 

Thị trường nước khoáng đóng chai đang phát triển rầm rộ

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu nước khoáng, nổi bật thì có thể kể đến nước khoáng thiên nhiên Lavie, nước khoáng Vĩnh Hảo,... Đây là những loại nước có hàm lượng khoáng chất vừa phải (<500mg/l), người trưởng thành khỏe mạnh có thể sử dụng. Ngoài ra, còn có nước khoáng chuyên dùng chữa bệnh (hàm lượng khoáng > 1000mg/l). Dù thuộc loại nào, thì bản chất nước khoáng đều chứa khoáng chất. Do đó, cần biết rõ khi nào nên dùng, ai không được dùng.

Những đối tượng có thận yếu (người bị sỏi thận, suy thận,..) hoặc chức năng chưa hoàn chỉnh (trẻ nhỏ) thì không nên uống nhiều nước khoáng vì sẽ khiến thận phải lọc nhiều, trở nên yếu đi. Cũng không nên nấu ăn bằng nước khoáng, vì nhiệt độ cao sẽ tác động đến các thành phần khoáng trong nước sinh ra cặn, hoặc thúc đẩy phản ứng hóa học với các chất trong thực phẩm, gây hại cho sức khỏe. 

Đun lại nhiều lần vì muốn tiết kiệm nước

Để tiết kiệm, nhiều người chọn nước đun sôi để nguội chứ không mua dùng các loại nước đóng chai, đóng bình. Nếu không uống hết, họ lại tiếp tục đun sôi thêm nhiều lần, với suy nghĩ là càng đun nhiều thì nước càng sạch do đã diệt hết vi khuẩn. Đây là thói quen hết sức sai lầm!

Sai lầm khi nghĩ nước càng đun sôi càng an toàn

Trong nước sinh hoạt, kể cả nước máy vẫn chứa một hàm lượng nhất định Nitrat và một vài kim loại nặng như Canxi, Sắt, Magie, Cadmium,... Nước càng đun sôi nhiều lần, quá trình bốc hơi càng làm cho nồng độ kim loại nặng cao lên. Khi chúng ta uống vào, các chất này sẽ tích tụ trong cơ thể, lâu dần dẫn đến bệnh tật như sỏi thận (dư thừa Canxi), vấn đề da, tim mạch, tiêu hóa, ung thư (do ngộ độc Asen). Hãy dừng ngay việc uống nước đun sôi nhiều lần!

Đợi khát mới uống

Đã bao giờ bạn tập trung làm việc gì đó, đến khi bừng tỉnh chợt thấy cổ họng khô rát phải vội vàng đi uống nước chưa? Tôi cá là nhiều lần!

Thật ra khi chúng ta thiếu nước, cổ họng không kêu réo như dạ dày lúc ta đói. Bởi vậy, nhiều người phớt lờ nhu cầu của cơ thể mà chờ đến khi khát khô mới chịu uống nước. Họ không biết rằng, lúc ấy cơ thể đã mất một lượng nước đáng kể. Việc lười cung cấp nước trong khoảng thời gian dài dẫn đến nồng độ chất độc tích tụ trong nước tiểu tăng lên, tăng nguy cơ hình thành sỏi và các vấn đề về thận.

“Hình ảnh có tác dụng chống mỏi mắt”

Thói quen đợi khát mới uống có thể làm cơ thể bị mất nước, kéo theo hàng loạt triệu chứng như: 

  • Đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt
  • Tăng nhiệt độ cơ thể
  • Các vấn đề tiêu hóa
  • Lão hóa sớm 

Thế nên, đừng chờ đến khi khát cháy cổ, hãy rèn luyện thói quen uống nước vào những thời điểm nhất định trong ngày. Muốn biết thời điểm nào tốt để bổ sung nước, bạn hãy theo dõi ở các bài sau nhé!

Uống quá nhiều nước một lúc 

Đừng đợi khát mới uống, nhưng càng không nên uống quá nhiều nước cùng lúc. Nước là sự sống, nhưng nếu cung cấp quá mức và đột ngột, nó có thể trở thành thuốc độc.

Theo Business Insider, từng có một người phụ nữ gần 70 tuổi tại Mỹ mất mạng vì uống hơn 30 cốc nước trước khi đi ngủ. Tại Anh, một thống kê năm 2015 cho thấy ít nhất 15 người chết vì ngộ độc nước do uống quá nhiều trong quá trình tập luyện thể thao.

Uống quá nhiều một lúc gây ngộ độc nước

Nguyên nhân cơ bản là do 2 quả thận của chúng ta chỉ có thể xử lý 800 - 1000ml nước mỗi giờ. Do đó, khi lượng nước bổ sung vượt quá con số này, các tế bào trong cơ thể phình lên do mất cân bằng H2O và Natri, bắt đầu cho chuỗi phản ứng ngộ độc nước. Tình trạng này nguy hiểm đến tính mạng khi tế nào não tiếp tục dãn nở, dẫn đến áp lực trong não tăng cao gây hôn mê, và sau đó là tử vong. Người ta có thể chết trong vòng 10 tiếng nếu bị ngộ độc nước trầm trọng.

Nhẹ hơn, nếu uống quá nhiều nước, nhất là sau khi vận động mạnh trong thời gian dài sẽ tạo cảm giác nặng nề, tức bụng, hô hấp khó khăn.

Vừa ăn vừa uống nước

Một số người có tâm lý sợ "nuốt không trôi" nên vừa ăn vừa uống nước, hoặc chan canh vào cơm và ăn. Thói quen này thật sự không tốt! Lí do là vì, dạ dày con người có chứa acid clohydric - hợp chất quan trọng giúp tiêu hóa thức ăn. Khi chúng ta vừa ăn vừa uống nước, lượng acid này sẽ bị pha loãng khiến quá trình tiêu hóa gặp khó khăn, dẫn đến hiện tượng đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là táo bón. Cơ thể cũng không hấp thu tốt dưỡng chất, làm lãng phí thực phẩm mà ta ăn vào.

Vừa ăn vừa uống làm dạ dày tiêu hóa khó khăn

Thế nếu bạn bị nghẹn hoặc lỡ ăn phải một món rất khó nuốt thì sao? Hãy uống 1 -2 ngụm nước nhỏ, tốt nhất là nước ấm để giúp thức ăn dễ trôi mà vẫn không ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.

Uống nước khi đứng

Thường thì bạn rót nước sau đó tiện thể đứng đó uống luôn đúng không? Bạn có bao giờ tưởng tượng nó sẽ gây ra những hậu quả “siêu to khổng lồ” gì không? 

Tích tụ chất độc

Khi ta đứng uống, dưới tác động của trọng lực, nước sẽ trôi thẳng xuống phần đáy của dạ dày. Vì nước di chuyển quá nhanh nên dạ dày không thể hấp thụ kịp như khi ngồi uống, dẫn đến bị thiếu nước. 

Nguy cơ viêm khớp

Khi bạn đứng uống nước, sự cân bằng các chất lỏng trong cơ thể bị phá vỡ, các chất dịch cần thiết trong khớp bị thiếu hụt. Điều này kéo dài có thể dẫn đến viêm khớp.

Căng thẳng thần kinh

Khi ta đứng, các giác quan được thả lỏng. Tuy nhiên, khi uống nước, bó cơ và hệ thần kinh bị căng thẳng, khiến chúng ta dễ cảm thấy mệt mỏi.

Đố bạn biết khi uống nước nên ngồi hay đứng?

Trào ngược dạ dày

Khi bạn đứng uống, nước chảy xuống mạnh và tạo áp lực lớn vào phần dưới thực quản, gây co thắt cơ vòng - cơ liên kết giữa dạ dày với thực quản. Từ đó khiến bạn đau tức ngực, lâu dài hơn dễ dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Vậy uống nước ở tư thế nào mới đúng? Câu trả lời sẽ có trong những bài sau của series này.

Uống nhiều nước lạnh khi khát

Sau khi vận động, đi ngoài nắng,...bạn chỉ mong có trong tay một chai nước siêu lạnh rồi ngửa cổ uống ừng ực cho đã khát….giống như TVC quảng cáo của một hãng nước ngọt nọ. Tuy nhiên, đằng sau cảm giác thỏa mãn tạm thời này là hàng loạt những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe:

  • Làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng co thắt thực quản
  • Dễ gây đau đầu
  • Làm co mạch máu, ảnh hưởng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn
  • Đau họng, hại răng
  • Tiêu hao năng lượng do cơ thể phải làm ấm nhằm điều hòa thân nhiệt
  • Sốc nhiệt, đặc biệt khi uống nước đá sau tập luyện thể dục, thể thao

Nước lạnh? - Cơ thể không thích điều này!

Hệ quả khôn lường của 8 thói quen uống nước sai cách thường gặp trên đã đủ làm bạn choáng váng? Nếu có một việc bạn làm từ bé tí đến khi trưởng thành nhưng vẫn không thành thạo, thì đó chính là uống nước. Uống theo bản năng thì rất dễ, chính vì vậy, đa phần chúng ta đều xem nhẹ mà không biết chính sự thờ ơ ấy dẫn đến hàng loạt tác hại nguy hiểm cho cơ thể.

Cứ thử tưởng tượng mỗi thói quen trên tương đương 1 năm trong cuộc đời. “Xóa sổ” 1 cái là bạn đã lấy lại được 24 tháng tuổi thọ của mình. Cách tốt nhất để bỏ 1 thói quen xấu là lấp đầy nó bằng 1 thói quen tốt. Muốn hành động đúng, đầu tiên phải biết và hiểu đúng. Đón đọc bài tiếp theo để biết thế nào là Uống Đúng nhé!

>>> Trả lời câu hỏi: “Uống nước đúng cách là gì?” (Phần 3)