-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Những trường hợp cần bổ sung nước đúng cách (Phần 10)
21/11/2019
Tôi - The Water MAN đã quay trở lại rồi đây!
Các bạn còn nhớ những kiến thức mà chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về phương pháp uống nước đúng cách cho từng đối tượng không? Các bạn phải lưu ý thực hiện đúng đấy nhé!
Ngoài cách uống nước dành riêng cho từng đối tượng, còn có những trường hợp đặc biệt cần phải bổ sung nước đúng cách. Vậy, đó là những trường hợp nào? Và cách bổ sung nước cho những trường hợp này như thế nào? Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khi bị ốm (bệnh)
Khi bị ốm, cơ thể bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi. Đôi khi, điều này làm bạn quên mất việc phải bổ sung nước cho cơ thể. Tuy nhiên, nước có vai trò rất lớn với sức khỏe và nếu uống nước đúng cách, có thể giúp bạn nhanh khỏi bệnh hơn đấy. Hãy cùng tìm hiểu cách uống nước trong một số trường hợp bị bệnh cụ thể sau đây nhé.
Bị cảm lạnh
Khi bị cảm lạnh, bạn nên uống nhiều nước, hoặc uống thêm nước trái cây nguyên chất. Điều này rất có ích trong việc giúp cơ thể nhanh khỏi bệnh.
Nên uống nhiều nước khi bị cảm lạnh và bị sốt
Ngoài ra, nếu bạn bị sốt, cơ thể sẽ có cơ chế tự làm mát để bảo vệ bản thân. Cơ chế này sẽ khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, hô hấp nhanh hơn, trao đổi chất cũng tăng nhanh, cho nên lúc này cần bổ sung thêm nhiều nước.
Uống nhiều nước vừa giúp quá trình bài tiết tốt hơn, vừa giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, từ đó làm cho chất độc được đào thải ra ngoài một cách nhanh chóng.
Bị táo bón
Táo bón thường là do trong cơ thể có tích phân mà lại thiếu nước, ruột và cơ quan bài biết không có lực để có thể bài tiết ra ngoài. Vì vậy, nếu bị táo bón, bạn nên uống từng ngụm nước lớn. Điều này sẽ khiến nước đến được đường ruột nhanh chóng, kích thích nhu động ruột, thúc đẩy quá trình bài tiết. Từ đó giảm chứng táo bón khó chịu bạn đang gặp phải.
Khi bị táo bón, bạn nên uống từng ngụm nước lớn
Bị béo phì
Những người béo phì có thể uống một cốc nước nhỏ trước bữa ăn khoảng nửa tiếng đồng hồ. Điều này sẽ giúp làm tăng cảm giác no, từ đó sẽ tiêu thụ thức ăn ít hơn.
Nửa tiếng sau bữa ăn, bạn cũng có thể uống một ly nước để giúp tăng cường chức năng tiêu hóa của cơ thể.
Người bị béo phì nên chú ý uống nước trước và sau bữa ăn khoảng nửa tiếng
Bị nôn ói
Hiện tượng nôn ói thường xảy ra khi bạn ăn phải những thực phẩm không hợp vệ sinh hoặc độc hại. Đây là cơ chế nhằm giúp đào thải chất độc ra ngoài cơ thể. Để tránh việc nôn ói trở nên nghiêm trọng hơn hoặc tiêu chảy dẫn đến mất nước, bạn có thể uống một chút nước muối loãng. Điều này giúp để bổ sung thể lực, hạn chế tình trạng cơ thể bị suy yếu. Đây là một cách khá là hiệu quả mà các bạn nên chú ý đấy nhé.
Khi bị nôn ói, bạn có thể uống một chút nước muối pha loãng
Khi ăn nhậu
Ăn nhậu là một trong những việc có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không thể tránh khỏi, bạn cũng cần chú ý đến cách uống nước trong lúc nhậu để có thể bảo vệ phần nào sức khỏe bản thân.
Chất cồn khiến lợi tiểu, do đó sẽ làm cho cơ thể mất nhiều nước hơn mức đã tiêu thụ. Do đó, để tránh cho cơ thể khỏi bị mất nước sau những cuộc nhậu, bạn phải bổ sung nhiều nước. Tuy nhiên, bạn không nên uống nước quá nhiều vì có thể gây ra phản ứng ngược không mong muốn. Đồng thời, bạn cũng không nên uống cùng lúc lượng lớn mà cần chia nhỏ ra.
Cần chú ý bổ sung đủ nước sau khi uống nhiều bia rượu
Ngoài ra, có một mẹo nhỏ trong khi nhậu. Đó là để kiểm soát lượng bia tiêu thụ, bạn có thể uống thêm nước trong khi nhậu. Điều này giúp bạn không uống quá nhiều bia mà vẫn không ảnh hưởng nhiều đến không khí buổi liên hoan.
Khi căng thẳng, mệt mỏi
Khi cơ thể căng thẳng và mệt mỏi cũng là lúc bạn cần chú ý bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.
Một trong những nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi là do cơ thể bị thiếu nước. Do đó, muốn giảm bớt tình trạng mệt mỏi mà bạn đang gặp phải, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Cũng cần phải lưu ý, chỉ uống nước từ nguồn nước đảm bảo sạch, không có chứa thủy ngân hay các kim loại nặng, nhẹ.
Một trong những nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi là do thiếu nước
Khi uống thuốc
Khi uống thuốc, bạn thường uống kèm với nước. Nước không chỉ là chất dẫn đưa thuốc từ miệng xuống ống tiêu hóa để hấp thu mà còn đóng vai trò là dung môi hòa tan thuốc, giúp thuốc được hấp thu tốt hơn. Đồng thời, uống nhiều nước sẽ giúp thuốc bài xuất qua thận được nhanh hơn, từ đó có thể làm giảm độc tính của nhiều loại thuốc.
Vậy khi uống thuốc, cần uống bao nhiêu nước là đủ?
Lượng nước cần dùng để uống thuốc phụ thuộc vào dạng bào chế và bản chất của mỗi loại thuốc.
Đối với thuốc có kích thước lớn hoặc viên nang, nếu uống không đủ nước có thể làm thuốc lắng đọng tại thực quản, gây ra hiện tượng kích ứng, loét thực quản.
Đối với các loại thuốc thuốc có tác dụng chậm (ví dụ thuốc có dạng viên giải phóng chậm hoặc viên bao tan trong ruột), nếu uống với quá nhiều nước có thể làm thuốc di chuyển trong lòng ống tiêu hóa nhanh quá mức cần thiết và ra ngoài trước khi được hấp thu tại vị trí tối ưu. Điều này làm giảm tác dụng của thuốc đối với cơ thể.
Do đó, lượng nước để uống thuốc sẽ tùy thuộc vào loại thuốc cần uống và các bệnh lý khác nhau. Nếu bạn không biết chắc chắn về lượng nước nên uống, cần hỏi chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế khác nhé.
Lượng nước cần thiết để uống thuốc tùy thuộc theo từng loại thuốc và bệnh lý khác nhau
Ngoài ra, trong hầu hết trường hợp, nước đun sôi để nguội là loại nước thích hợp nhất vì không gây ra tương kỵ hay tương tác nào khi hòa tan thuốc. Nếu bạn không chắc chắn rằng thuốc bạn đang uống phù hợp để uống kèm loại nước nào, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ hoặc những người có chuyên môn.
Lời kết
Vậy là chúng ta lại cùng nhau tìm hiểu xong những thông tin mới siêu hay ho trong chủ đề chung về Uống Đúng rồi. Hy vọng với những gì mà The Water MAN chia sẻ trên đây, các bạn đã biết thêm cho mình những kiến thức cần thiết để bổ sung nước đúng cách trong từng trường hợp.
Hãy tiếp tục theo dõi những loạt bài tiếp theo nhé. The Water MAN còn rất nhiều điều cực kỳ thú vị muốn chia sẻ cùng mọi người đấy.
Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết sau!
>>> 10 sự thật thú vị về việc uống nước ít ai biết (Phần kết)